Menumb
Trại Hòm Martino
Facebook twitter tiktok Youtube
Các pháp tướng của Quán Thế Âm Bồ Tát

Các pháp tướng của Quán Thế Âm Bồ Tát

5/5 (251 bình chọn)

Quán Thế Âm Bồ Tát, một vị đại sĩ vạn năng, thân thương của loài người ở Ta Bà mà bất cứ đệ tử nào của đức Phật cũng đều hướng tâm kính lễ, và cầu nguyện Ngài.

Trong Diệu pháp liên hoa kinh, đức Phật Thích ca đã giải thích rõ cho Vô Tận Ý Bồ Tát về ý nghĩa của danh hiệu Quán Thế Âm là do vị Bồ tát này khi nghe âm thanh của chúng sanh xưng danh hiệu mình thì bèn tầm thanh để cứu khổ.

Nếu có vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sanh bị các khổ não nghe đến danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, một lòng xưng danh Ngài thì ngay khi đó, Bồ Tát Quán Thế Âm bèn xem xét âm thanh ấy, khiến cho họ đều được giải thoát.

Hóa thân của Quán thế âm bồ tát trong Diệu pháp liên hoa kinh

Cũng theo kinh này thì Quán Thế Âm Bồ tát có 32 hóa thân khác là thân Phật, Bích Chi, Thanh Văn, Phạm Vương, Đế Thích, Đại Tự Tại Thiên, Đại Tự Tại, Thiên Đại Tướng Quân, Tỳ Sa Môn, Tiểu Vương, Trưởng giả, Cư sĩ, Tể quan, Bà-la–môn, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Phụ nữ, Đồng nam, Đồng nữ, Thiên , Long, Dạ xoa, Càn-thát-bà, Ca-lâu-la, A-tu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân, Phi nhân, Thần chấp Kim Cang.

Sau này lại có thêm 33 hóa thân khác của Quán Âm, những hóa thân này không dựa vào Kinh sách mà chỉ dựa vào tư tưởng hóa độ lục đạo kết hợp với 33 Ứng hóa thân trên pha trộn với tín ngưỡng dân gian của Nhật Bản và Trung Hoa mà tạo thành, đó là các hồng danh.

33 Pháp tướng của đức Quán thế âm bồ tát

1. Dương Liễu Quán Âm:

Còn có tên gọi khác là Dược Vương Quán Âm, bổn nguyện của Ngài là bạt trừ cứu độ những bệnh khổ của chúng sanh, vì chúng sanh thân nhiều khổ nạn nên Ngài cầm cành dương. Dương liễu mềm mại biểu trưng cho đức tướng ôn hòa nhẫn nhục của Quán Thế Âm Bồ tát. Thân mặc y màu trắng ngà, hình tượng của Ngài biểu hiện sự kỳ nguyện phước đức.

33 Pháp tướng của đức Quán thế âm bồ tát

2. Long Đầu Quán Âm:

Là Quán Thế Âm Bồ tát ngồi trên lưng rồng. Rồng là vua trong các loài thú để biểu thị cho uy lực của Quán Thế Âm Bồ tát; Long Vương đến mang mây mưa sấm chớp chiếu diệu khắp trời đất, thấm nhuần muôn vật, tất cả đều tán thán uy lực của Long vương. Ngài hiện thân ngồi kết già trên mình rồng thuyết pháp cho chúng sanh.

33 Pháp tướng của đức Quán thế âm bồ tát

3. Trì Kinh Quán Âm:

Còn gọi là Thanh Văn Quán Âm. Thanh Văn là nghe Phật thuyết pháp được khai ngộ mà xuất gia. “người đáng dùng thân Thanh Văn được độ thoát Ngài liền hiện thân Thanh văn mà vì đó nói pháp”. Hình tượng của Ngài biểu hiện sự an tường.

4. Viên Quang Quán Âm:

Đây là Quán Thế Âm Bồ tát lòng từ ái viên mãn, biểu trưng bằng ánh quang minh quanh thân. “sáng thanh tịnh không nhơ, huệ nhựt phá các tối, hay tiêu tai khói lửa, khắp soi sáng thế gian”. Thân Ngài được cảm thọ qua đoạn kinh này, hiện tướng thuyết pháp.

5. Du Hý Quán Âm:

Quán Thế Âm Bồ tát giáo hóa chúng sanh viên thông vô ngại, không câu nệ vào thời gian và nơi chốn, biểu hiện tướng du hý tự tại. Thân màu hồng, Ngài ngoảnh mặt chăm chú nhìn chúng sanh.

Bạch Y Quán Âm:

6. Bạch Y Quán Âm:

Còn gọi là Bạch Y Quán Tự Tại Mẫu. Toàn thân Ngài mặc y trắng, ngồi kết già trên hoa sen trắng, đầu đội khăn, tay trái cầm hoa sen, tay phải kết dữ nguyện ấn. Màu trắng biểu ý Thanh Tịnh và Tâm Bồ đề, xưa nay mọi người lễ bái Ngài để cầu tiêu tai, trường thọ.

7. Liên Ngọa Quán Âm:

Là Quán Thế Âm Bồ tát ứng hiện tọa ngọa trên lá sen. Ngài hiện thân Tiểu Vương trong phẩm Phổ Môn, để thí dụ cho thân Tiểu Vương tôn quý ngồi trên lá sen. Quán Thế Âm Bồ tát ngồi kết già hiệp chưởng, đầu đội mão hoa, hiện tướng từ bi nhu hòa, cổ đeo anh lạc, mặc thiên y, bi nhãn nhìn chúng sanh.

8. Lang Kiến Quán Âm:

Còn gọi là Phi Bộc Quán Âm. Nước là vật mềm mại nhất nhưng có thể đối trị sự cứng chắc của đá, từng giọt nước có thể xuyên thủng đá. Sức nước suối từ trên cao chảy xuống rất lớn, tuy nhỏ cũng có thể chảy thành sâu rộng. Quán Thế Âm Bồ tát ngồi nhìn dòng thác, nhưng tâm tư Ngài như tinh thần của dòng nước.

9. Thí Dược Quán Âm:

Ngoài việc trị bệnh khổ của chúng sanh về thân và tâm, Quán Thế Âm Bồ tát còn ban bố cho chúng sanh lương dược. Bài kệ trong phẩm Phổ Môn ghi rằng: “Quán Âm bậc Tịnh Thánh, nơi khổ não nạn chết, hay vì làm nương cậy”. Hình tượng Quán Thế Âm Bồ tát nhìn hoa sen cảm thương chúng sanh nhiều bệnh khổ.

10. Ngư Lam Quán Âm:

Là Quán Thế Âm tay cầm giỏ cá và nhánh lá. Do Ngài thấy con sông không có cầu, người qua sông rất dễ ngã xuống. Vì vậy Ngài hóa thân thành một mỹ nữ bán cá, nhưng có điều kiện rằng ai có nhiều tiền ném vào trong giỏ cá thì sẽ cưới làm chồng, nếu ném không trúng thì phải bỏ ra khoản tiền để xây cầu, kết quả chẳng có ai ném trúng.

Những người không ném trúng đều phải mang tiền đến, tiền chất thành đống che khuất không còn nhìn thấy Ngài, khi nhìn lại thì mọi người thấy Ngài hóa thân đứng trên sông.

11. Đức Vương Quán Âm:

Trong phẩm Phổ Môn chép rằng: “người đáng dùng thân Phạm Vương đặng độ thoát, Ngài liền hiện thân Phạm Vương mà vì đó nói pháp”. Phạm Vương là chủ cõi trời sắc giới, công đức rất lớn, nên còn gọi là Đức Vương.

Hình tượng thông thường trong nhân gian là đầu đội bảo quan, ngồi kết già, tay phải cầm nhánh lá, tay trái để trên đầu gối.

12. Thủy Nguyệt Quán Âm:

Tức là Thủy Cát Tường Quán Thế Âm Bồ tát trong Thai Tạng Mạn trà la, mật hiệu của Ngài là Nhuận Sanh Kim Cang, Quán Thế Âm Bồ tát nhất tâm quán thủy tướng, nhập thủy định. Vì vậy hình tượng của Ngài ngồi kết già trên hoa sen nổi trong đại hải, tay trái cầm hoa sen, tay phải kết thí vô úy ấn, trong lòng bàn tay chảy xuống một dòng nước có hình mặt trăng nên gọi là Thủy Nguyệt Quán Âm.

13. Nhất Diệp Quán Âm:

Nếu bị nước lớn cuốn trôi, xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát, liền được đến chỗ cạn. Có thể thấy hình tượng Quán Thế Âm Bồ tát hiện trên nước. Ngài ngồi trên hoa sen nổi trên mặt nước, ngắm nhìn nước tâm suy nghĩ sâu sắc đến những nơi tối tăm không ánh sáng (địa ngục).

14. Thanh Cảnh Quán Âm:

Có các vị thần muốn tìm lấy Cam Lộ nên khuấy động nhũ hải, nhưng phát hiện trong biển có lọ thuốc độc, Quán Thế Âm Bồ tát vì sợ thuốc độc hại chúng sanh, mới phát tâm đại từ bi uống hết lọ thuốc độc, vì vậy mà cổ Ngài biến thành màu xanh. Hình tượng đặc trưng của Ngài là tay trái cầm hoa sen, lòng bàn tay phải hướng lên trên, ngồi kết già trên bệ đá.

15. Uy Đức Quán Âm:

Quán Thế Âm Bồ tát có đầy đủ uy đức để chiết phục và hộ trì chúng sanh. Trong phẩm Phổ Môn có đoạn: “người đáng dùng thân Thiên Đại Tướng Quân đặng độ thoát, Ngài liền hiện thân Thiên Đại Tướng Quân mà vì đó thuyết pháp”. Thiên Đại Tướng Quân có đầy đủ uy đức nên được gọi là Uy Đức Quán Âm.

Hình tượng của Ngài là tay trái cầm kim cang xử biểu hiện uy thế để chiết phục tâm cang cường của chúng sanh, tay phải cầm hoa sen ngồi trên bệ đá.

16. Diên Mạng Quán Âm:

Là Quán Thế Âm Bồ tát bảo hộ thọ mạng chúng sanh. Phẩm Phổ Môn chép: “nguyền rủa các thuốc độc, muốn hại đến thân đó, do sức niệm Quán Âm, trở hại nơi bổn nhơn”. Có thể tiêu trừ chú thuật nguyền rủa và độc dược thêm tuổi thọ, cho nên gọi là Diên Mạng Quán Âm. Ngài đội bảo quan, mặc Thiên y, anh lạc trang nghiêm, 20 cánh tay để dìu dắt và cứu hộ chúng sanh.

17. Chúng Bảo Quán Âm:

Là hình tượng Quán Thế Âm Bồ tát tay cầm vàng bạc vật báu. Nếu có chúng sanh vì tìm cầu báu vật như vàng bạc, lưu ly, mã não, san hô, hổ phách, trân châu… vào trong thâm sơn đại hải, giả sử gió lớn thổi trôi dạt đến nước quỷ La Sát, nếu có một người xưng danh hiệu Ngài, thì đều được giải thoát. Hình tượng của Quán Thế Âm Bồ tát biểu hiện sự an ổn.

18. Nham Hộ Quán Âm:

Là hình tượng Quán Thế Âm Bồ tát ngồi trong hang đá. phẩm Phổ môn chép: “Rắn độc cùng bò cạp, hơi độc khói lửa đốt, do sức niệm Quán Âm, theo tiếng tự bỏ đi”. Thường trong hang động có nhiều chướng khí và trùng độc, là chỗ có nhiều nguy hiểm đối với những người qua núi, Quán Thế Âm hiện ra thì mọi nguy hiểm đều tiêu tan hết. Quán Thế Âm Bồ tát hiệp chưởng tĩnh tọa trên hoa sen, trong hang hiểm tối tăm hiện ra ánh sáng.

19. Năng Tĩnh Quán Âm:

Quán Thế Âm Bồ tát cứu giúp thủ hộ những người gặp nạn được an ổn. Hoặc trôi dạt biển lớn, các nạn quỷ cá rồng, do sức niệm Quán Âm, sóng mòi chẳng chìm đặng. Quán Thế Âm Bồ tát là thần thủ hộ trên biển. Hình tượng của Ngài biểu hiện tướng tĩnh lặng.

20. A Nậu Quán Âm:

Quán Thế Âm Bồ tát ngồi trên bệ đá quán sát mọi động tĩnh của đại hải. Thệ nguyện của Ngài như bài kệ:“ông nghe hạnh Quán Âm, khéo ứng các nơi chỗ, thệ rộng sâu như biển, nhiều kiếp chẳng nghĩ bàn”. Hình tượng của Ngài đầu búi tóc thiên kế, mặc Thiên y màu vàng, tay trái cầm mảnh y trước bụng, tay phải thả trên gối phải, mắt nhìn đại hải, hạnh nguyện của Ngài xua tan những hiểm nạn trên biển làm cho tất cả định tĩnh không còn tai ương.

21. Vô Úy Quán Âm:

Hình tượng của Ngài rất đặc thù có ba mắt bốn tay, ngồi trên lưng sư tử trắng, đội bảo quan, hai tay bên phải, một tay cầm hoa sen trắng, một tay cầm con chim cát tường trắng; hai tay bên trái, một tay cầm pháp khí hình con phượng 3 đầu, một tay cầm con cá. Khắp thân có ánh sáng, mặc thiên y đeo anh lạc, diên mạo rất đoan nghiêm.

22. Diệp Y Quán Âm:

Ngài hiện thân Thiên nữ, đội bảo quan, trên bảo quan có hóa thân Vô Lượng Thọ Phật. Quanh thân có vòng lửa, ánh sáng trong suốt khắp thân. Có bốn tay, hai tay bên phải, một tay cầm quả cát tường để trước ngực, một tay kết thí nguyện ấn; hai tay bên trái, một tay cầm rìu, một tay cầm sợi dây, ngồi trên hoa sen. Diệp Y Quán Âm là vị Bồ tát của nông dân cầu nông cụ và cầu không bệnh dịch, tai nạn, trùng độc. 22) Lưu Ly Quán Âm.

23. Lưu Ly Quán Âm:

Tương truyền vào thời Bắc Ngụy, Tôn Kính Đức trấn giữ biên cương, ông tạo tượng Quán Thế Âm Bồ tát để tôn thờ. Sau bị Di Địch bắt xử cực hình. Ông nằm mộng thấy thầy Sa Môn dạy phải trì tụng một ngàn biến kinh “Diên Mạng Thập Cú Quán Âm”, lúc tử hình ông ba lần chém nhưng không chút thương tích, nên ông được tha chết. Vì phụng thờ lễ bái Quán Thế Âm Bồ tát mà đầu ông còn hiện ba vết sẹo. Hình tượng Ngài cầm bình lưu ly xanh, đứng trên cánh hoa sen du hóa trên mặt nước.

24. Đa La Quán Âm:

Dùng vật báu vô giá trang nghiêm thân để trừ khổ não cho chúng sanh, tất cả chúng sanh vui ưa vào pháp giới chư Phật. Ngài hiện thân người con gái, tướng mạo từ bi, mặc y trắng, hai tay hiệp chưởng cầm hoa sen xanh; quanh thân có hào quang thanh tịnh, đầu búi tóc. Trước ngực đeo anh lạc ngồi trên bệ đá ngắm nhìn chúng sanh.

25. Cáp Lỵ Quán Âm:

Vua Đường Văn Tông thích ăn thịt con hàu, một ngày nọ vua bắt được một con sò lớn, vua dùng dao mổ hoài mà không mở được vỏ sò, ông mới đốt hương cầu nguyện, con sò hóa thành Quán Âm Đại Sĩ. Nhà Vua triệu vị thiền sư đến nói: người đáng dùng thân đặng được độ, thì hiện thân này mà nói pháp.

Hiện thân Đại Sĩ là việc hy hữu không tin hay sao. Nhà vua rất vui liền ban chiếu chùa chiền trong khắp thiên hạ tạo tượng Đại Sĩ để tôn thờ. Đây là sự tích của Cáp Lỵ Quán Âm.

26. Lục Thời Quán Âm:

Là vị Bồ tát ngày đêm từ bi thủ hộ chúng sanh. Thời xưa miền Bắc Ấn Độ một ngày đêm chia làm sáu thời, một năm cũng chia làm sáu thời là: “nắng ít, nắng nhiều, mưa, mát, lạnh ít, lạnh nhiều”; Do đó mà nói thành “Quán Thế Âm thường trông chúng sanh”.

27. Phổ Bi Quán Âm:

Quán Thế Âm Bồ tát từ bi thương tất cả chúng sanh, khắp trong tam thiên đại thiên thế giới. “Người đáng dùng thân Đại Tự Tại Thiên được độ thoát, liền hiện thân Đại Tự Tại Thiên mà vì đó nói pháp”. Vì lòng từ bi và uy đức của Ngài rất lớn phổ chiếu tất cả tam giới cho nên có tên gọi là Phổ Bi Quán Âm.

28. Mã Lang Phụ Quán Âm:

Đời Đường có một mỹ nữ mà những người con trai đều tranh nhau cưới, nàng nói trong một đêm nếu đọc thuộc được phẩm Phổ Môn sẽ lấy làm chồng, đêm ấy có hai mươi người thuộc, lại một đêm tụng trọn bộ kinh Kim Cang cũng sẽ lấy làm chồng, đêm ấy còn lại mười người, sau ba ngày có thể tụng thuộc Kinh Pháp Hoa thì sẽ kết ước. Trong số đó chỉ có người thanh niên họ Mã được chọn. Ngày kết hôn người con gái bỗng dưng chết biến thành ánh sáng bay lên không trung biến mất.

Hình tượng Ngài cầm quyển Kinh Pháp Hoa và cây gậy có hình đầu lâu.

29. Hiệp Chưởng Quán Âm:

Là hình tượng Quán thế Âm Bồ tát chắp tay cung kính lễ biểu thị tu thiện tích đức. Nếu có chúng sanh nhiều lòng dâm dục, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ tát thì liền được ly dục, nếu người nhiều sân nhuế, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ tát thì liền được ly sân, nếu người nhiều ngu si thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ tát, thì liền được ly si.

Tâm không vô niệm thì liền hiển hiện cảnh giới tam muội. Ngài mặc y trắng chấp tay ngồi trên bệ đá.

30. Nhất Như Quán Âm:

Quán Thế Âm Bồ tát cưỡi mây bay trong hư không chinh phục lôi điện sấm sét. Phẩm Phổ Môn chép: “mây sấm nổ sét đánh, tuông giá xối mưa xuống, do sức niệm Quán Âm, liền đặng tiêu tan cả”. Nhất như có nghĩa là bất nhị, bất dị; Bất Nhị Bất Dị là Chơn Như. Chơn Như là sự sự vô ngại biến mãn khắp pháp giới. Quán Âm diệu trí lực chính là pháp quán nhất như.

31. Bất Nhị Quán Âm:

Là biểu tượng bổn và tích bất nhị của Quán Thế Âm. Phẩm Phổ Môn chép: “người đáng dùng thân chấp kim cang Thần đặng độ thoát, liền hiện Chấp Kim Thần mà vì đó nói pháp. Quán Thế Âm là vị thủ hộ cho Phật, cũng là ứng hóa thân của Phật, vì bổn và tích đều chẳng phải hai nên gọi là Bất Nhị Quán Âm. Hình tượng Ngài ngồi trên bệ đá hai tay chấp trì kim cang xử.

32. Trì Liên Quán Âm:

Là Quán Thế Âm Bồ tát tay cầm hoa sen. Quán Thế Âm Bồ tát lấy hoa để biểu trưng cho bổn thệ, vì cầm hoa sen đã nở hay chưa nở nên còn gọi là liên hoa thủ. Vì hoa sen có nhiều nhơn duyên đặc thù nên cũng lấy hoa sen làm đài. Hình tượng Quán Âm đứng trên lá sen, hai tay cầm hoa sen, đầu đội bảo quan, mặc thiên y, viên mãn trang nghiêm.

33. Sái Thủy Quán Âm:

Là Quán Thế Âm Bồ tát đứng trên tường vân tay cầm chén nước rưới xuống. Lòng bi răn như sấm, ý từ diệu dường mây, như mưa pháp cam lộ, dứt trừ lửa phiền não. Sái thủy là rưới một loại nước thơm, là pháp tu tụng niệm gia trì làm cho thanh tịnh. Đây là bổn thệ của Quán Thế Âm để khai ngộ Phật tánh của tất cả chúng sanh.

Trong hệ thống Thuần Mật của Mật giáo thì Đức Quán Thế Âm Bồ Tát được nhận định qua nhiều hình tượng khác nhau.

Căn cứ vào Kim Cương Giới Man Đà La (Vajra dhàtu mandala) thì vị Bồ Tát này được nhận biết dưới danh hiệu Kim Cương Pháp Bồ Tát (vajra dharma bodhisatva) là một trong bốn vị Bồ Tát thân cận của Đức Phật A DI ĐÀ ở phương Tây. Tôn này được sinh ra từ trí tự tại vô nhiễm của tất cả Như Lai nên nói rằng vị Bồ Tát này và Đức Phật A DI ĐÀ nguyên chỉ khác nhau về Nhân Quả, hễ tìm được Bản Giác tức đồng với Vô Lượng Thọ xong do Bản Thệ nên thị hiện thành Bồ Tát Đại Bi.

Tâm chú của Tôn này là: “OM VAJRA DHARMA HRÌH “và câu xưng tán là: “Nam mô Nhất Thiết Như Lai Trí Tuệ Môn Kim Cương Pháp Bồ Tát đẳng xuất sinh tận hư không biến pháp giới nhất thiết Bà La Mật Bồ Tát Ma Ha Tát“.

Trong Nhiếp Chân Thật kinh phần thượng thì ghi nhận Tôn này là Kim Cương Nhãn Bồ Tát (Vajra Caksu Bodhisatva).

Căn cứ vào Thai Tạng Giới Man Đà La (Garbha dhàtu mandala) thì vị Bồ tát này được an vị trong các viện: Trung Đài bát diệp viện, Biến Tri viện, Quán Âm viện,

Thích Ca viện, Văn Thù viện , Hư Không Tạng viện, Tô Tất Địa viện. Tùy theo vị trí được an lập, vị Bồ Tát này biểu thị cho các phẩm Đức khác nhau.

+ Trong Trung đài bát diệp Viện: Vị Bồ Tát này biểu thị cho Tịnh Đức là Đức thứ tư trong 4 Đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh . Hoặc biểu thị cho hạnh chứng ngộ Bồ Đề tâm là một trong 4 hạnh của Như Lai là Phát Tâm Bồ Đề, Tĩnh Tâm Bồ đề, Chứng Ngộ Tâm Bồ Đề, Nhập Tâm Bồ Đề.

+ Trong Biến Tri Viện: Vị Bồ tát này được nhận biết qua danh hiệu Chuẩn Đề Phật Mẫubiểu thị cho Tĩnh Đức và là Mẫu của tất cả các Tôn thuộc Liên Hoa Bộ trong PHẬT BỘ.

+ Tại Quán Âm Viện: Vị Bồ Tát này biểu thị cho Đức Giải Thoát là một trong 3 Đức của Niết Bàn là Pháp thân đức , Bát nhã đức, Giải thoát đức.

+ Trong Văn Thù Viện: Vị bồ Tát này biểu thị cho Đức Quyền Trí

+ Trong Thích Ca Viện: Vị Bồ Tát này biểu thị cho Đức Chân Tướng

+ Trong Hư Không Tạng Viện: Vị Bồ Tát này được nhận biết qua danh hiệu Thiên Thủ Quán Thế Âm, biểu thị cho Đức Pháp Tài.

+ Trong Tô Tất Địa Viện : Vị Bồ Tát này được nhận biết qua danh hiệu Thập Nhất Diện Quán Thế Âm, biểu thị cho dụng của TỪ BI.

Ngoài ra trong Thai Tạng Giới Man Đà La còn liệt kê thêm nhiều vị Quán Âm tu trì Pháp Quán Âm.

* Trong Quán Âm Viện :

  • Bạch Y Quán Âm ( Pàndura Vàsinì ) Tôn này trú ở tâm Bồ Đề trắng tịnh nên xưng là Đại Bạch Y Quán Âm, Bạch Xứ Tôn Bồ Tát, Bạch xứ Quán Âm, Bạch Y Quán Tự Tại Mẫu. Tôn này biểu thị cho BỘ MẪU của Liên Hoa Bộ hay sinh ra các Tôn thuộc Liên Hoa Bộ. Tôn tượng có một mặt hai tay. Tay phải duỗi các ngón ngửa ra hướng xuống dưới thành Ấn Dữ Nguyện, tay trái co lại cầm cành hoa sen.

Ngoài ra còn có tượng 3 mặt 6 tay, phần nhiều là tượng nuôi con nít nên là đối tượng của những người cầu con. Do đó Tôn này còn có tên là Tống Tử Quan Âm .

  • Bạch Thân Quán Tự Tại ( ‘sveta bhagavatì ) Tôn này biểu thị cho sự tu tập Đại Bi trắng tịnh.Tay trái cầm hoa sen biểu thị cho Đức thanh tịnh xưa nay, dùng sự tu hành thành tựu Đức ấy mà hiển Phật trí.Tay phải để ngang vai biểu thị cho sự phổ hóa chúng sinh.
  • Cát Tường đại Minh Quán Tự Tại (‘Sri mahà vidya) Tôn này biểu thị cho sự chẳng nhiễm sinh tử, trong sạch không nhơ. Tức dùng Pháp môn thanh tịnh vô nhiễm phá trừ sự ưu ám của chúng sinh. Tay trái cầm hoa sen biểu thị cho sự thanh tịnh vô cấu nhiễm, tay phải dựng đứng chưởng co 3 ngón vô danh, giữa, trỏ sao cho ngón trỏ vịn vào đốt thứ nhất của ngón cái, ngón út duỗi thẳng chỉ lên trên.
  • Đại Tùy Cầu Bồ Tát (Mahà pratisàra) Tôn này là thân biến hóa của Quán Thế Âm, thường tùy theo sự nguyện cầu của chúng sinh mà ban cho đầy đủ bản nguyện, do vậy mà có tên là Đại Tùy Cầu.

Tôn hình có một mặt 8 tay, ngồi bán già trên tòa sen. Bên trái : Tay thứ nhứt cầm hoa sen , bên trên hoa sen có bánh xe rực lửa, tay thứ hai cầm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa, tay thứ ba cầm cây lộng Như Ý, tay thứ tư cầm vòng dây. Bên phải : Tay thứ nhất ngửa chưởng cầm Chày Tâm Cổ đặt nằm ngang, tay thứ hai cầm cây kích có 3 lưỡi, tay thứ ba cầm cây búa, tay thứ tư cầm cây kiếm.

  • Mã Đầu Quán Âm (Hayagriva) Tôn này là một hiện thân của Quán Thế Âm với hình dáng to lớn , tóc dựng đứng lên, đôi mắt đầy phẫn nộ. Tôn tượng có 3 mặt, mỗi mặt có 3 mắt. Hiện tướng lộ 2 nanh cong lên hai bên mép miệng. Trên đỉnh trán của mặt chính có hình vị Hóa Phật, và đội đầu con ngựa ngay giữa đỉnh. Do đó Tôn này có tên là Quán Âm Đầu Ngựa (Mã Đầu Quán Âm).

Tôn này có đầy đủ tính cách của một vị Minh Vương nên được kể vào 8 đại Minh Vương và gọi là Mã Đầu Minh Vương. Tôn này do nhân Đại Bi nên không trú ở Niết Bàn mà trụ trong cảnh giới Vô minh để đoạn tận các nẻo ác. Nói cách khác, Quán Thế Âm hiện thân Mã Đầu là để tượng trưng cho sức tinh tiến của các vị Bồ Tát không bao giờ ngưng nghỉ ở bất cứ chỗ nào trong vòng sinh tử, cương quyết anh dũng đánh dẹp vô minh khổ nãochẳng kể đến thân mệnh mình. Vì thế Tôn này có mật hiệu là Tấn Tốc Kim Cương.

  • Bất Không Quyến Sách Quán Âm (Amogha pa’sa) Tôn này do tâm nguyện Bất Không nên xưng là Bất Không. Quyến Sách tượng trưng cho lưới bắt chim dùng cứu độ tất cả chúng sinh trong Đại Thiên thế giới .

Theo Ý nghĩa khác, Bất Không là Chuẩn, Quyến Sách là Đề và Chuẩn Đề (Cundhe) tượng trưng cho tâm tính thanh tịnh (‘suddhe) nên ba danh tự Bất Không Quyến Sách, Chuẩn Đề và Thanh Tịnh Quán Âm bằng Chuẩn Đề quán Âm.

Tôn tượng có 3 mặt 4 tay, mỗi mặt có 3 mắt. Mặt chính diện màu thịt, mặt bên phải màu xanh, mặt bên trái màu đen. Ba mặt biểu thị cho 3 Đức. Bên trái: Tay thứ nhất cầm hoa sen, tay thứ hai cầm dây lụa, bên phải: tay thứ nhất cầm tràng hạt, tay thứ hai cầm bình Quân Trì.

  • Như Ý Luân Quán Âm (Cinta mani chakra)

Cinta: Là Như ý bảo châu

Chakra: Là pháp luân

Tôn này trụ ở Như ý bảo châu Tâm Muội , chuyển Pháp luân cứu độ chúng sinh trong lục đạo thoát khỏi khổ não và hay làm cho tất cả chúng sinh được thành tựu ước nguyện , vì thế Ngài được hợp xưng là Cứu Khổ Cứu nạn Cứu Thế Bồ Tát .

Tôn này có 6 tay, toàn thân màu vàng, trên đầu kết báu quanh đỉnh tóc biều thị sự trang nghiêm. Trong mão có Đức Phật A Di Đà trụ tướng thuyết pháp. Bên phải: tay thứ nhất nâng mặt làm dạng suy tư biểu thị cho sự mẫn niệm chúng hữu tình, tay thứ hai cầm báu Như ý biểu thị cho sự làm mãn túc ước nguyện của tất cả chúng sinh . Tay thứ ba cầm Tràng hạt biểu thị cho sự cứu khổ chúng sinh. Bên trái:Tay thứ nhất duỗi thẳng xuống ấn núi Quang Minh biểu thị cho sự khiến chúng sinh chẳng dao động.

Tín hạnh, tay thứ hai cầm hoa sen biểu thị cho sự hay trừ các phi pháp, tay thứ ba cầm bánh xe biểu thị cho sự chuyển pháp Vô Thượng.

Tôn này thường dạo chơi trong lục đạo, dùng phương tiện Đại Bi giải trừ các khổ não cho chúng sinh.

  • Bi Diệp Y Quán Âm (PàlàsÂmbarì) Tôn này là một thân biến hóa của Quán Thế Âm, chuyên trừ các loại bệnh tật, cầu trường thọ, đảo bệnh, an trấn phòng ốc. Tôn này có 2 tay :Tay trái cầm dây lụa, tay phải cầm hoa sen mới nở.
  • Đa La Bồ tát (Tàrà) Tàrà là con mắt hay con mắt tĩnh diệu. Tôn này là một thân Hóa hiện của Quán Thế Âm được sinh ra bởi ánh quang minh phóng ra từ mắt của ngài. Tôn này luôn nhìn tất cả chúng sinh giống như bà mẹ hiền theo dõi chăm sóc con thơ. Mục đích của Ngài là cứu độ chúng sinh ra khỏi biển khổ sinh tử. Do chủ về hai Đức đại Bi và hàng phục nên Tôn này được xem là Phật Mẫu của Liên Hoa Bộ.

Tôn hình có hai tay chắp lại để ngang ngực , trên đỉnh đầu hiện Đức Phật A Di Đà đang trụ tướng thuyết pháp.

Một Hóa thân của Thánh Mẫu Tàrà là Tỳ Lý Câu Đê Bồ Tát (Bhrkuti) Tôn này là chủ về sự kính vâng theo Pháp Cứu độ thanh tịnh và nhằm chặn đứng sự tàn phá của trí Đại Không để hoàn thiện phước báu diệu hữu. Tôn hình có búi tóc hình mũ giống như đất giữ gìn vạn vật, chung quanh kết bởi các báu, chính giữa có hình Đức Phật A Di Đà trụ tướng thuyết pháp . Điều này biểu thị cho sự kính vâng theo Trí Tuệ Phổ Môn của Như Lai để hoàn thiện phước đức .Thân hình có 4 tay. Bên phải: Tay thứ nhất rũ xuống thành An Dữ Nguyện , tay thứ hai co ngửa lên cầm Tràng hạt. Bên trái: tay thứ nhất co lên cầm hoa sen ,tay thứ hai cầm Bình Quân Trì.

  • Thủy Cát Tường Bồ Tát (Arya Ryudaka’ sri) Tôn này được xem là quyến thuộc của Đa La Bồ Tát. Tôn hình màu vàng lợt, tay trái dựng đứng bàn tay, co 3 ngón: cái, trỏ, giữa lại, cầm hoa sen mới nở biểu thị cho phương tiện Đại Bi hay làm cho muôn điều lành tốt đẹp thêm lên.Tay phải duỗi các ngón xuống dưới thành ấn Dữ Nguyện biểu thị cho sự làm thỏa mãn các nguyện của chúng sinh.

* Trong Hư Không Tạng Viện

  • Thiên Thủ Quán Âm Bồ tát (Sahasra bhuja avalokite’ svara) Tôn hình màu vàng, có 27 mặt, 1000 tay mỗi tay có một con mắt nên gọi là Thiên Thủ Thiên Nhãn. Ngàn tay ngàn mắt tượng trưng cho phạm vi cứu độ của Ngài với phương pháp rộng lớn vô biên. Thật ra tôn tượng chỉ có 42 tay, hai tay chính giữa chắp lại, hai bên phải trái mỗi bên có 20 tay. 40 tay này mỗi tay cứu độ 25 giới chúng sinh nên tổng cộng là 1000 tay. Quyến thuộc của Tôn này là Bà tẩu Tiên Nhân, Phong Thần, Lôi Thần với chúng Bát bộ.
  • Phẫn Nộ Câu Quán Tự Tại Bồ Tát (Amogha krodha jnã’ sa Raja) Tôn hình có 3 mặt 4 tay, mỗi mặt có 3 mắt, trên trái mỗi mặt có một vị Hóa Phật đỉnh đầu có một vị Bồ Tát ngồi kiết già, hai tay cầm hai cây kiếm. Bên phải: Tay thứ nhất co lên cầm Phẫn Nộ TÂm Xoa Câu , tay thứ hai co cánh tay duỗi ngửa các ngón hướng xuống. Bên trái: tay thứ nhất co lên cầm hoa sen , tay thứ hai duỗi ngửa cầm dây lụa. Tôn này chủ về sự hàng phục ma chướng.
  • Bất Không Câu Quán Tự Tại (Aryàmogha jnã sa) Tôn hình có 3 mặt 4 tay, mỗi mặt có 3 mắt, trên mỗi đỉnh trán có một vị Hóa Phật , hai mặt hai bên màu xanh . Bên phải : tay thứ nhất nâng cánh tay cao lên cầm Tâm Cổ Câu, tay thứ hai rũ ngửa cầm Tâm Cổ Chử .Bên trái : tay thứ nhất co lại cầm hoa sen bên trên có móc câu, tay thứ hai hạ xuống dựng đứng bàn tay cầm vòng dây (Luân sách). Tôn này chủ về sự Cậu triệu, dẫn nhiếp chúng sanh vào Phật đạo.

* Trong Tô Tất Địa Viện:

  • Thập Nhất Diện Quán Âm (Edaka’ sa mukha avalokite’ svara). Tôn hình có 11 mặt và 4 tay. Mặt chính có 2 mặt hai bên, phía trên có 5 mặt và trên cùng có 3 mặt. 11 mặt này biểu thị cho 11 Địa của Phật quả. Bên phải : tay thứ nhất dựng đứng bàn tay co ngón vô danh, tay thứ hai hạ xuống ngửa lòng bàn tay co ngón trỏ. Bên trái: tay thứ nhất dựng đứng bàn tay co hai ngón trỏ, ngón giữa cầm hoa sen, tay thứ hai rũ xuống ngửa bàn tay co 4 ngón lại cầm Táo bình .

Ngoài các mục ghi trên đây. Phật giáo còn ghi nhận thêm 4 vị Bồ Tát Đa La tu trì thành tựu Pháp Quán Âm là:

  • Thanh Cảnh Quán Âm (Nìlakanthì) Tôn này có 4 tay hoặc 2 tay. Niệm Tôn này có thể giải thoát được tất cả sự sợ hãi ách nạn.
  • Hương Vương Quán Âm (Gandha ràja) Tôn này có 2 tay. Tay phải duỗi trên gối thành tay Thí Vô Úy, tay trái co khuỷu tay cầm hoa sen. Tôn này hay giáng mưa Cam lộ bố thí cho chúng sinh trong 5 đạo.
  • A Ma Hai Quán Âm (Abhetrì) Tôn này có tên là Vô Úy Quán Tự Tại. Tôn tượng có 3 mắt 4 tay ngồi trên lưng con sư tử trắng. Niệm Tôn này có thể mãn túc các nguyện, đắc túc mệnh trí, được chúng sinh yêu quý, chứng đắc Tất Địa.
  • Thủy Nguyệt Quán Âm (Daka cadra) Tôn này có hai tay, tay trái cầm báu Như Ý, tay phải kết ấn Dữ Nguyện. Tôn này đồng thể với Thủy Cát Tường Bồ Tát. Niệm Tôn này có thể đầy đủ tất cả ước nguyện một cách mau chóng.

Tóm lại, do nhân ứng hóa các phương mà danh hiệu và hình tượng của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát có nhiều tướng trạng khác nhau. Thông thường người ta dùng hồng danh Chính Quán Âm để chỉ Đức Quán Âm bản nhiên . Hình tượng của Ngài rất tự do không có quy định theo đặc tính nào cả.

Hồng danh Thánh Quán Âm dùng để chỉ Đức Quán Âm cùng với Đại Thế Chí Bồ Tát theo hầu cận Đức Phật A Di Đà ở thế giới Cực Lạc và xưng là Tây Phương Tam Thánh.

Hồng danh Quán Tự Tại Bồ Tát dùng để chỉ các bậc Giác hữu tình đang tu hành pháp môn QUÁN CHIẾU THẬT TẠI để hoàn thành Tuệ giác siêu việt, hoặc danh hiệu này dùng để chỉ vị Bồ Tát ở cảnh Lý Sự Vô Ngại, quán đạt tự tại.

Hồng danh Quán Thế Âm Bồ Tát dùng để chỉ các bậc Giác hữu tình đang thực hành pháp môn VIÊN THÔNG NHĨ CĂN để hoàn thành 4 tâm vô lượng TỪ, BI, HỶ, XẢ. Hoặc danh hiệu này dùng để chỉ vị Bồ Tát dùng bản nguyện Từ Bi quan sát âm thanh cầu cứu của tất cả chúng sinh trong Đại Thiên thế giới mà nhanh chóng hiện thân đến cứu tế ách nạn.

Tôn tượng của vị Bồ Tát này đều có một mặt hai tay và có màu thịt trắng hay màu vàng ròng. Còn các Tôn tượng và danh hiệu khác đều là thân thị hiện theo lực dụng của Pháp thần biến tự tại nên mỗi mỗi đều có ý nghĩa và nghi quỹ riêng biệt.

 

Bài viết liên quan
Cách Xếp Chén Dĩa Cúng Phật
Cách Xếp Chén Dĩa Cúng Phật
Việc bày tỏ lòng thành kính với Đức Phật, Thần Linh, Gia Tiên là nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt. Trong đó, việc sắp xếp chén dĩa cúng Phật đúng cách không chỉ thể hiện sự tôn kính, trang nghiêm mà còn mang ý nghĩa cầu mong những điều tốt đẹp đến với gia đình.
Những lưu ý khi trưng bày tượng Phật trong nhà
Những lưu ý khi trưng bày tượng Phật trong nhà
Phật pháp là tín ngưỡng thờ phụng phổ biến tại Việt Nam. Nhiều gia đình đã quyết định trưng bày tượng Phật trong nhà như một phương thức tìm kiếm sự yên bình, hài hòa và cân bằng cho không gian sống.
Lập bàn thờ vong cho người mới mất như thế nào đúng nhất?
Lập bàn thờ vong cho người mới mất như thế nào đúng nhất?
Trong nghi thức tang lễ truyền thống của người Việt, lập bàn thờ vong người mới mất là thủ tục vô cùng quan trọng. Song bên cạnh đó, sau khi hoàn thành việc an táng, gia chủ cũng cần chuẩn bị tươm tất cho quá trình chuyển bàn thờ sau 49 ngày. Bởi lẽ, người xưa tin rằng, thờ cúng thật chu đáo sẽ giúp vong linh siêu thoát, đủ Phúc để có thể đầu thai sang kiếp khác.

Xem thêm: 32 pháp tướng Quán Thế Âm Bồ tát, 33 pháp tướng Quán Thế Âm Bồ tát, pháp tướng Quán Thế Âm Bồ tát, Quán Thế Âm Bồ tát,

martino funeral
người phục vụ tận tâm
Martino Funeral là người bạn đồng hành cùng tang quyến trong hành trình tiễn đưa người đã khuất về nơi vĩnh hằng một cách tận tâm và trọn vẹn
Trang trí tang lễ
Trang trí tang lễ theo đúng nghi thức tôn giáo
Trang trí sự kiện tang lễ gói Ngọc Bồ Đề
Trang trí tang lễ gói Ngọc Liên Hoa
Trang trí tang lễ gói Ngọc Liên Hoa
Trang trí tang lễ gói Đại Phúc tone vàng
Trang trí tang lễ Phật giáo gói Đại Phúc tone trắng
Trang trí tang lễ gói Bảo Khánh tone vàng
Trang trí tang lễ gói Vạn Phước tone trắng
Trang trí tang lễ Công giáo gói Phục Sinh
Nhà tang lễ
Sự ra đời của nhà tang lễ giúp cho gia đình giảm bớt gánh nặng khi không có diện tích để tổ chức một tang lễ hoàn chỉnh cho người thân của mình. Bên cạnh đó, đối với những phong tục kị của một số vùng miền cũng khiến cho nhiều gia đình phải lo lắng để tìm kiếm địa điểm tổ chức tang lễ. Do đó, với loại hình cho thuê nhà tang lễ này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho gia đình.
Nhà tang lễ bệnh viện Thống Nhất
Nhà tang lễ số 5 Phạm Ngũ Lão
Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng bệnh viện quân y 175
Nhà tang lễ Nguyễn Tri Phương
Dịch vụ
Bảng giá Dịch vụ tang lễ trọn gói | Dịch vụ mai táng trọn gói Xem chi tiết
Bảng giá Dịch vụ tang lễ trọn gói | Dịch vụ mai táng trọn gói
Tâm An Lạc xin gửi đến quý gia đình bảng giá dịch vụ tang lễ trọn gói ( bao gồm cả hỏa táng và an táng ) tại TPHCM nói riêng và toàn quốc nói chung để quý vị có thể tham khảo và tìm kiếm được đơn vị tổ chức tang lễ trang trọng và chu toàn nhất.
Dịch vụ bốc mộ cải táng, sang cát tại TpHCM Xem chi tiết
Dịch vụ bốc mộ cải táng, sang cát tại TpHCM
Dịch vụ bốc mộ Tâm An Lạc sẽ xem ngày giờ để tiến hành bốc bộ. Yếu tố tâm linh và phong thủy là vô cùng quan trọng cho nên khi thực hiện bốc mộ tuyệt đối không được chểnh mảng việc xem ngày giờ.
Dịch vụ vận chuyển hài cốt ra nước ngoài Xem chi tiết
Dịch vụ vận chuyển hài cốt ra nước ngoài
Dịch vụ vận chuyển hài cốt ra nước ngoài của Tâm An Lạc luôn được đánh giá cao, chúng tôi đã giúp đỡ và phục vụ rất nhiều gia đình kiều bào tại hải ngoại nhận được hủ tro cốt của thân nhân mình tại sân bay gần nhất.
Liên hệ
Quý gia đình xin để lại thông tin

Đăng ký tại đây

Họ tên
Số điện thoại
Nội dung cần hỗ trợ
Trại Hòm Martino
Tel: 09 44 44 88 22
Giờ làm việc: 24/7
Kể cả ngày lễ
 
 
 
Fanpage
Fanpage
Bản quyền thuộc về Martino Group - All right reserved