Tóm tắt nội dung [Hiển thị]
Kinh doanh dịch vụ tang lễ là dịch vụ được kinh doanh phổ biến hiện nay. Với nhu cầu được tổ chức tang lễ đúng nghi thức tôn giáo, trang trọng, chu đáo và đầy ý nghĩa, rất nhiều người đã chọn sử dụng dịch vụ tang lễ.
Đăng ký kinh doanh là thủ tục bắt buộc chủ kinh doanh phải thực hiện trước khi kinh doanh dịch vụ tang lễ, dịch vụ mai táng. Nếu có ý định kinh doanh loại dịch vụ này, bạn nên tham khảo bài viết dưới đây!
Kinh doanh dịch vụ tang lễ, dịch vụ mai táng có phải đăng ký kinh doanh?
Hoạt động phục vụ dịch vụ tang lễ là một trong những ngành, nghề thuộc hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, được quy định tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, cụ thể
9632 - 96320: Hoạt động dịch vụ phục vụ tang lễ
Nhóm này gồm
- Dịch vụ địa táng, hoả táng, điện táng các dịch vụ có liên quan khác
- Bảo quản thi hài, khâm liệm và các dịch vụ chuẩn bị cho địa táng, hỏa táng, điện táng
- Dịch vụ nhà tang lễ
- Bán đất xây mộ hoặc cho thuê đất đào mộ;
- Trông coi nghĩa trang.
Loại trừ: Hoạt động dịch vụ tang lễ mang tính chất tín ngưỡng, tôn giáo được phân vào nhóm 94910 (Hoạt động của các tổ chức tôn giáo).
Các hình thức táng người chết được quy định tại Điều 2 Nghị định 23/2016/NĐ-CP bao gồm: Mai táng, hỏa táng và các hình thức táng khác
Trong đó:
- Táng là thực hiện việc lưu giữ thi hài hoặc hài cốt, tro cốt của người chết.
- Mai táng là thực hiện việc lưu giữ thi hài hoặc hài cốt, tro cốt của người chết ở một địa điểm dưới mặt đất.
- Chôn cất một lần là hình thức mai táng thi hài vĩnh viễn.
- Hung táng là hình thức mai táng thi hài trong một khoảng thời gian nhất định sau đó sẽ được cải táng.
- Cải táng là việc chuyển xương cốt từ mộ hung táng sang hình thức táng khác.
- Cát táng là hình thức mai táng hài cốt sau khi cải táng hoặc lưu tro cốt sau khi hỏa táng.
- Hỏa táng (bao gồm cả điện táng) là thực hiện việc thiêu thi hài hoặc hài cốt ở nhiệt độ cao.
Thủ tục mở cơ sở kinh doanh dịch vụ tang lễ, mai táng
Để kinh doanh dịch vụ tang lễ, chủ cơ sở kinh doanh cần lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp. Có hai hình thức kinh doanh hiện nay là Hộ kinh doanh và Doanh nghiệp.
Đối với cơ sở kinh doanh có dưới 10 nhân viên: Chủ cơ sở kinh doanh nên lựa chọn đăng ký hộ kinh doanh
Đối với cơ sở kinh doanh có 10 nhân viên trở lên: Chủ cơ sở kinh doanh nên lựa chọn đăng ký Doanh nghiệp
Thủ tục thành lập hộ kinh doanh dịch vụ tang lễ
Thành phần hồ sơ đăng ký thành lập hộ kinh doanh gồm:
1. Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh (theo Phụ lục III-1 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT);
2. Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
3. Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
4. Bản sao Văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
Nơi nộp:
Phòng Tài chính - Kế hoạch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh.
Thời hạn giải quyết:
03 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh.
Thủ tục thành lập doanh nghiệp
Hiện nay có các loại hình doanh nghiệp sau:
Công ty TNHH 1 thành viên
Công ty TNHH 2 thành viên trở lên
Công ty cổ phần
Doanh nghiệp tư nhân
Công ty hợp danh
Tùy thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp mà có các hồ sơ đăng ký kinh doanh khác nhau.
Chủ cơ sở kinh doanh nên lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp với định hướng kinh doanh của cơ sở.
Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hỏa táng
Đối với nhóm ngành, nghề hoạt động dịch vụ tang lễ, kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hoả táng là ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư 2020.
Điều 20 Nghị định 23/2016/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Điều 3 Nghị định 98/2019/NĐ-CP quy định các điều kiện chung về quản lý, sử dụng cơ sở hỏa táng như sau:
Cơ sở hỏa táng phải được xây dựng phù hợp với quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch ngành có liên quan, quy hoạch chi tiết xây dựng cơ sở hỏa táng được cấp có thẩm quyền phê duyệt
Đối với cơ sở hỏa táng được xây dựng ngoài nghĩa trang thì khoảng cách an toàn môi trường từ công trình hỏa táng tới khu dân cư, công trình công cộng phải đảm bảo tối thiểu 500 m.
Công nghệ hỏa táng:
Cơ sở hỏa táng phải sử dụng công nghệ hỏa táng hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường về lò hỏa táng;
Công nghệ hỏa táng lần đầu được áp dụng tại Việt Nam phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định. Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định công nghệ hỏa táng lần đầu áp dụng ở Việt Nam.
Chất thải rắn phát sinh từ các hoạt động của cơ sở hỏa táng phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đảm bảo môi trường theo quy định.
Cơ sở hỏa táng khi đưa vào sử dụng phải có nội quy quản lý. Nội dung cơ bản của nội quy quản lý
Chủ đầu tư xây dựng cơ sở hỏa táng được hưởng ưu đãi về: Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật; đất đai, giải phóng mặt bằng; huy động vốn đầu tư và thuế theo quy định pháp luật hiện hành