Sinh lão bệnh tử là quy luật lẽ thường của tự nhiên, cái chết không loại trừ bất cứ ai. Việc có kiến thức tổ chức tang lễ cho người thân quá cố là vấn đề đang được mọi người quan tâm. Ở các thành phố, thị xã thì tang lễ hầu như do các nhà tang lễ đảm nhiệm; nhưng ở nông thôn thì hầu hết đều do gia đình cùng với làng xóm đứng ra tổ chức nên về hình thức mỗi nơi mỗi cách với nhiều thủ tục rườm rà.
Từ thực tế tổ chức đám tang ở một số địa phương và các tài liệu sách báo, Tâm An Lạc xin cung cấp cho bạn đọc một số điều cần biết về tang lễ của người Việt Nam để mọi người được biết đến.
Những kiến thức tang lễ cần biết
* Những việc người nhà cần làm lúc này:
- Sửa soạn lại chỗ nằm (dọn bớt đồ đạc, vật dụng xung quanh; chuyển người sắp mất sang vị trí thuận lợi cho việc khâm liệm…)
- Luôn luôn có người túc trực bên cạnh.
- Người có theo tôn giáo thì làm lễ cầu nguyện theo phép của từng tôn giáo.
- Chuẩn bị mọi thứ để tắm gội (làm lễ mộc dục), khâm liệm (lễ nhập quan)
- Chuẩn bị khăn áo, hương hoa… cho lễ thành phục
Những việc cần làm ngay sau khi thân nhân mất:
- Khi đã tuyệt khí, vuốt mắt người chết rồi đưa thi hài xuống đất, gọi là hạ thổ. Việc tiếp đất này là hấp lấy sinh khí đất, xem có hồi dương - (sống lại) không. Sau đó đưa lên giường, lấy một chiếc đũa đặt giữa hai hàm răng, để sau làm lễ phạm hàm được dễ; nếu không, sau phải lấy cái lược cậy hàm răng mới làm phạm hàm được.
- Trường hợp mất tại bệnh viện hoặc mất dọc đường, quán trọ, chết vì tai nạn không đủ điều kiện để thực hiện toàn bộ thao tác và nghi lễ, vậy nên châm chước, tuỳ nghi vận dụng
* Lễ mộc dục: (tắm gội)
- Lúc tắm gội cho người vừa chết thường vừa để sẵn một con dao nhỏ, khăn, một cái lược, một cái thìa, một ít đất ở ông đồ rau, một nối nước ngũ vị hương và một nồi nước nóng khác. Lúc tắm, vây màn cho kín, tang chủ quỳ xuống khóc, người hộ việc cũng quỳ rồi cáo từ rằng; "nay xin tắm gội để sạch bụi trần", xong phục xuống, đứng dậy.
- Đắp chăn hoặc chiếu, buông màn, đặt một chiếc ghế con phía trên đầu, trên đó đặt một bát cơm úp, một quả trứng, dựng một đôi đũa trên bát cơm và thắp hương. Có địa phương còn có tục để thêm một con dao trên bụng, (có lẽ để trừ tà ma hay quỷ nhập tràng).
* Lễ khâm liệm nhập quan:
Tục lệ nhiều nơi rất coi trọng giờ nhập quan. Vì thế, ngay sau khi người thân mất, người nhà nhờ thầy cúng xem giờ nhập quan.
Đúng giờ đã chọn, người thân trong gia đình (trừ những người vướng tuổi) vào làm lễ, con trai bên trái, con gái bên phải. Người chấp sự xướng: Tự lập (đứng gần vào), cử ai (khóc cả lên), quỳ. Chấp sự cũng quỳ mà cáo từ rằng "Nay được giờ lành, xin rước nhập quan". "Cẩn cáo" xong lại xướng: phủ phục (lễ xuống), hưng (dậy), bình thân (đứng thẳng).
Chú ý: Những quần áo của người đang sống, hoặc quần áo mà người đang sống có mặc chung thì kiêng không được bỏ vào áo quan.
Tục gọi hồn: Người gọi hồn cầm áo của người chết ra sân hoặc ngoài đường, quay bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và gọi. Đàn ông thì gọi “ba hồn bảy vía ông…về nhập quan”. Đàn bà thì gọi “ba hồn chín vía bà…về nhập quan”. Xong bỏ áo người chết vào quan tài, coi như hồn người chết đã về nhập quan.
Đóng nắp quan tài, quan đặt trên hai cái giá cao khoảng 40 – 50cm. Dưới quan tài thường để hai khúc thân cây chuối.
Trên nắp quan tài có bát cơm úp, đôi đũa tre để rua kẹp quả trứng luộc, cắm vào bát cơm. Người chết là đàn ông, trên nắp quan tài để 7 khúc chuối con để cắm hương, kèm theo 7 ngọn nến. Người chết là đàn bà, trên nắp quan tài để 9 khúc chuối con để cắm hương, kèm theo 9 ngọn nến.
Phía trước quan tài là bàn thờ vong đã chuẩn bị. Đèn nến, hương trên bàn thờ vong và nắp quan tài thắp liên tục đến khi đưa đi an táng.
Sau khi gọi hồn nhập xác, đóng nắp quan tài và tiến hành làm Thiết linh và Thành phục và phát tang ngay.
* Lễ thiết linh và thành phục
Lễ thiết linh là lễ thiết lập linh vị, đặt bàn thờ tang.
Khi chưa chôn cất thì lấy lễ thờ người sống mà lễ, nên mỗi lần lạy chỉ lạy hai lạy, trong linh vị và khăn vấn dùng chữ "Cố phụ", "Cố mẫu" thay cho "Hiền khảo", "Hiền tỷ".
Lễ Thành phục - Mặc áo tang, chính thức chịu tang từ giờ phút này.
Trước hết đánh ba hồi chín tiếng trống đại, hội nhạc tang tấu lên khúc nhạc bi ai báo hiệu Lễ phát tang bắt đầu, cũng là để báo cho cộng đồng dân cư biết. Sau phát tang đến phúng viếng và chia buồn với tang chủ.
Con cháu chịu tang đứng trước bàn thờ vong, theo thế thứ trong gia tộc. Tang chủ đứng giữa. Chủ Lễ bắt đầu cuộc lễ. Hiện nay phần lớn đều do thầy cúng thực hiện việc này.
Nội dung Lễ phát tang chủ yếu nêu nỗi đau buồn, tiếc thương vô hạn của người sống đối với người đã khuất. Nhớ lại công lao trời biển của Cha Mẹ, đã vất vả nuôi con cháu trưởng thành. Kể tên đầy đủ người chịu tang gồm con, cháu, dâu, rể anh em…
Thực hiện nghi thức thắp hương và dâng rượu, nước cho người đã khuất thụ hưởng, cũng là thể hiện lòng thành báo hiếu của con cháu, dâu rể đối với Ông, Bà, Cha, Mẹ…
Sau khi lễ hoàn tất, tang chủ ra đứng bên bàn thờ vong, để đáp lễ khách phúng viếng. Các con trai thay nhau đứng túc trực; con gái, con dâu vào ngồi hai bên quan tài.
Trước khi thành phục, nếu có khách đến thì người chủ tang chưa ra tiếp mà người hộ tang thay mặt tiếp khách và thông cảm với khách.
Sau lễ thành phục mới chính thức phát tang. Sau đó thân bằng cố hữu, làng xã mới đến phúng viếng.
* Tang phục
* Trống kèn
Một số nơi đã thực hiện thu băng đĩa các bài nhạc tang để dùng trong tang lễ. Một số nơi có tập tục, người chết trẻ không có nhạc tang, chỉ đánh trống lúc phát tang và khi an táng.
* Lễ cúng sáng tối
Từ xưa vẫn cho rằng khi chưa an táng, còn quan tài ở nhà, coi như cha mẹ còn sống. Trong ngày, buổi sáng và buổi tối vấn an thăm hỏi và mời bố mẹ xơi cơm, đi ngủ như thường vậy! Việc cúng này bây giờ cũng đơn giản, đến bữa dọn mâm cúng, thắp hương thành tâm khấn mời bố mẹ dùng bữa!
* Lễ động quan
Đêm trước hôm an táng, thường vào giờ Tý (23 – 24 giờ) thực hiện động quan, tức là nâng quan tài lên và đặt xuống ba lần, cũng có thể xoay nghiêng hai bên. Việc làm này như một động tác trở mình của cha mẹ còn đang ngủ.
Những điều cần biết về tang lễ của người Việt Nam
* Phúng viếng
Phúng viếng là biểu hiện tình cảm sâu nặng của những người trong họ tộc, của bà con trong xóm, ngoài làng ở cộng đồng dân cư và của các cơ quan đoàn thể đối với người quá cố; đến chia buồn với gia đình và tỏ lòng thương cảm, thắp nén tâm nhang để vĩnh biệt người đã khuất.
Để việc phúng viếng được tốt và chu đáo, ban lễ tang bố trí rạp, bàn ghế và trầu, thuốc, nước cho khách chờ. Thỉnh thoảng đọc tiểu sử, lai lịch người quá cố và thời gian biểu lễ truy điệu, lễ an táng cho mọi người đều biết.
Có bàn đăng ký các đoàn viếng, sắp xếp lịch trước sau; có người xếp vòng hoa, các câu đối, bức trướng phúng.
Tang chủ luôn túc tực bên quan tài để đáp lễ. Một người hộ việc tang chủ, quan sát khách viếng để thắp hương, rồi đưa hương cho từng người đến viếng.
Ban Lễ tang đọc thông báo cho gia đình và mọi người biết, các tập thể và cá nhân đến viếng. Ban nhạc hiếu tấu lên khúc nhạc ngắn trong khi đoàn vào, rồi dừng cho khách nói lời chia buồn với tang chủ và thắp hương. Người đến viếng vái hai vái, (vì chưa an táng coi như vái người đang sống). Tang chủ đáp lễ, cũng vái hai vái.
- Tiền phúng viếng:
Ngày trước thường hay viếng rượu, vàng, hương. Có đám tới vài trăm chai rượu. Bây giờ tục viếng rượu đã thôi hẳn. Người đi viếng chủ yếu là tiền bỏ trong phong bì, có thể thêm vàng hương. Xét ra, cũng là việc nghĩa, góp một phần cho tang chủ, với ý nghĩa đó thì không sao cả.
- Vòng hoa tang:
Phần lớn các đơn vị, tổ chức, cơ quan, dòng họ… làm vòng hoa tang viếng. Cách thức và kiểu dáng mỗi vùng không giống nhau. Miền Bắc thường làm vòng hoa hình bầu dục nổi vồng cao lên. Miền Nam lại làm vòng tròn, có từ một đến ba vòng đều phẳng. Trên vòng hoa là một băng vải đen chữ trắng, ghi rõ đơn vị cơ quan hoặc người chủ viếng…
Phúng viếng là một nét đẹp Văn hóa trong phong tục Việt nam. Thể hiện tình cảm sâu nặng của những người đang sống với người đã từ giã cõi đời. Hãy để cho một linh hồn được thanh thản và siêu thoát trở về nơi cực lạc.
* Lễ truy điệu và an táng
Đây là nghi lễ quan trọng của một đám tang. Tùy thuộc vào vị trí xã hội mà có những nghi thức khác nhau. Thông thường, ở vùng nông thôn, phần lễ này được thực hiện theo theo trình tự sau:
* Cúng lễ trước khi di quan, còn gọi là lễ “tiễn biệt”.
Đây là việc của gia đình. Thầy cúng hoặc tang chủ cùng con cháu nội ngoại thực hiện Lễ tiễn biệt người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng.
Những điều cần biết về tang lễ của người Việt Nam
* Làm Lễ truy điệu.
Đây là việc của Ban Lễ tang thay mặt Đoàn thể, chính quyền hoặc cơ quan đơn vị… làm sau lễ Tiễn biệt của gia đình. Bà con trong cộng đồng dân cư, cơ quan đơn vị… và bạn bè thân hữu tập trung trước bàn thờ vong.
Đại diện Ban Lễ tang lên tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu và mời Trưởng ban Lễ tang lên làm chủ lễ.
Mọi người mặc niệm lần cuối một phút, rồi lần lượt theo sự điều hành của Ban lễ tang dâng hương tiễn biệt lần cuối.
* Di quan
Trước khi di quan, đại diện gia đình nói lời cảm ơn các cơ quan, tổ chức, bà con, bạn bè đến thăm hỏi, phúng viếng và đưa tang.
Một số nơi thành lập đội tùy từ 6 đến 8 người, áo quần đồng phục một mầu, có giầy, mũ và găng tay, làm công việc di quan ra xe tang. .
Trên đường đưa tang, nhiều nơi vẫn còn tục rải vàng mã. Nên chăng cần giảm bớt tiến tới bỏ hẳn đi để bảo đảm vệ sinh môi trường.
Đi đầu là đoàn người vác cờ tang. Tiếp theo là xe chở vòng hoa, trướng, Linh xa, kèn, trống. Rồi đến xe chở quan tài. Sau cùng là đoàn người đi đưa tang.
Trên đường đoàn đưa tang thường dừng nghỉ ở một số điểm như ở đầu làng để người quá cố từ biệt…
* Hạ huyệt
Đến nơi hạ huyệt, đặt hai đòn tre ngang qua huyệt. Di quan tài đặt trên hai đòn tre. Lồng hai giây chão chắc chắn dưới quan tài, dùng khi hạ quan tài cho thuận tiện.
Sau khi ổn định các thứ mang theo, mọi người đứng xung quanh. Đúng giờ đã định, bắt đầu hành lễ. Trước hết là Lễ cáo Thổ thần xin cho người chết được nhập mộ, rồi đến lễ hạ huyệt. Con cháu, người thân bỏ nắm đất vĩnh biệt sau đó lui ra để bộ phận nội cựu thực hiện công việc đắp mộ.
Tiếp đến là chôn bia tạm, để bát cơm cúng, chén rượu trên mộ, thắp hương trước bia và trên mộ, xếp vòng hoa tang chung quanh.
Tang chủ có lời cảm ơn mọi người đã đưa người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng chu đáo.
Con cháu, người thân đi vòng quanh mộ, thắp hương tiễn biệt lần cuối người ra đi về nơi an nghỉ cuối cùng và rước linh xa về làm lễ cúng an vị bàn thờ.
Qua đó, cho ta thấy được dịch vụ mai táng của người Việt Nam thật sự rất cần thiết cho gia đình khi có người thân qua đời. Bởi chỉ có những nghiệp vụ chuyên dụng của dich vu mai tang mới giúp đáp ứng mọi nhu cầu của gia đình hoàn tất một tang lễ đầy nghiêm chỉnh và hoàn thiện cho người đã khuất.